TẦM QUAN TRỌNG CỦA XÉT NGHIỆM MÁU TỔNG QUÁT TRONG VIỆC PHÁT HIỆN BỆNH?
Đăng lúc: 10:42:41 18/06/2019 (GMT+7)
TẦM QUAN TRỌNG CỦA XÉT NGHIỆM MÁU TỔNG QUÁT TRONG VIỆC PHÁT HIỆN BỆNH?
Ngày nay, việc sinh hoạt không điều độ, ăn uống không lành mạnh diễn ra rất phổ biến. Bữa ăn chứa quá nhiều chất béo, tinh bột, đường khiến các bệnh liên quan đến đường máu, mỡ máu ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Sử dụng thực phẩm chứa chất độc hại, ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến chức năng thận, chức năng gan. Áp lực công việc, stress cũng là một trong những nguyên nhân tác động xấu đến sức khỏe con người.
Chủ động xét nghiệm máu tổng quát là phương pháp hữu hiệu giúp bạn bảo vệ sức khỏe chính bản thân mình và gia đình. Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp cho việc điều trị trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn
Máu là một mô của cơ thể, lưu thông trong động mạch, tĩnh mạch và mao mạch nhằm thực hiện nhiều chức năng sinh lý quan trọng, máu đi đến mọi bộ phận và cơ quan trong cơ thể nhằm nuôi dưỡng, liên kết hoạt động của tất cả các cơ quan trong cơ thể và liên kết giữa cơ thể với môi trường bên ngoài.
Tại sao cần chủ động xét nghiệm máu tổng quát để phát hiện bệnh?
Xét nghiệm máu tổng quát là phương pháp kiểm tra sức khỏe tiện lợi, nhanh chóng được chỉ định trong nhiều trường hợp khám chữa bệnh. Thông qua xét nghiệm máu tổng quát, bạn sẽ phát hiện những vấn đề về sức khỏe, tầm soát sớm các bệnh lý để đưa ra các phương pháp điều trị kịp thời.
1. Xét nghiệm máu tổng quát gồm những gì?
• Xét nghiệm công thức máu (Huyết đồ): Giúp bạn biết được có bị thiếu máu hay không; lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong máu có trong giới hạn bình thường không; chức năng đông máu hoạt động như thế nào, có bị nhiễm trùng máu, nhiễm virus, ung thư máu hay không?
• Xét nghiệm đường máu (glucose): Kiểm tra lượng đường trong máu có vượt mức quy định không, xác định xem bạn có bị tiểu đường không?
• Xét nghiệm men gan: ( SGPT, SGOT, GGT) đánh giá sự hủy hoại của tế bào gan do nhiễm độc, do virus, do sử dụng rượu bia kéo dài.
• Xét nghiệm mỡ máu (Cholesterol , Triglyceride, HDL –C và LDL - C): xác định bạn có bị rối loạn mỡ máu không? có bị các vấn đề về tim mạch không?
• Xét nghiệm Acid uric: Chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh Goute (Bệnh thống phong).
• Xét nghiệm Ure, Creatinin: Chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh về thận. Đặc biệt xét nghiệm Creatinin giúp phân loại bệnh nhân suy thận.
2. Xét nghiệm máu tổng quát biết được bệnh gì?
Các xét nghiệm cơ bản trên sẽ giúp bạn nắm được tình hình sức khỏe sơ bộ. Khi kết quả xét nghiệm có những vấn đề bất thường, bạn sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu để đi đến kết luận chính xác như: siêu âm, chụp X Quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ...
Như vậy, xét nghiệm máu tổng quát sẽ giúp phát hiện các bệnh lý cơ bản: bệnh tiểu đường, bệnh mỡ máu, bệnh thiếu máu, bệnh thiếu máu não, bệnh gout... cho đến các bệnh lý phức tạp như: viêm gan, xơ gan, nhiễm trùng máu, ung thư máu, các bệnh về tim mạch và cả bệnh xã hội như HIV...
3. Những lưu ý khi xét nghiệm máu tổng quát?
- Trước khi xét nghiệm máu tổng quát có cần nhịn ăn, nhịn uống không? Nên lấy máu xét nghiệm vào lúc nào là tốt nhất? Đây là thắc mắc của rất nhiều người khi có nhu cầu xét nghiệm máu tổng quát.
- Bạn cần tuyệt đối lưu ý:
* Nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu: Trong vòng 12 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm, bạn không được ăn hay uống các loại nước ngọt, nước hoa quả, nước có ga, đặc biệt là rượu, bia, cà phê... Các chất có trong đồ ăn có thể chuyển hóa thành đường glucose khiến kết quả xét nghiệm không chính xác, đặc biệt là các xét nghiệm liên quan đến tim mạch, đường huyết, mỡ máu. Đó chính là lý do vì sao xét nghiệm máu tổng quát thường được thực hiện vào buổi sáng. Sau khi lấy máu bạn có thể ăn uống bình thường.
- Không hút thuốc lá, không sử dụng chất kích thích trước khi làm xét nghiệm…
- Bạn được phép uống nước lọc để đảm bảo cơ thể không bị mất nước. Nước lọc không gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp thấp, bệnh tim... có thể uống thuốc trước thời gian làm xét nghiệm. Tuy nhiên để đảm bảo kết quả xét nghiệm không bị sai lệch, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
4. Bao nhiêu lâu cần chủ động xét nghiệm máu tổng quát?
- Xét nghiệm máu tổng quát giúp phát hiện sớm một số loại bệnh hoặc đưa ra những cảnh báo về các bệnh có thể mắc phải trong thời gian tới. Vì thế không chỉ người bệnh mà những người khỏe mạnh cũng cần đi xét nghiệm máu định kỳ. Theo các chuyên gia y tế, mỗi người cần làm xét nghiệm máu tổng quát 3 - 6 tháng/lần. Xét nghiệm máu tổng quát giúp bạn lắng nghe cơ thể, từ đó có những điều chỉnh về chế độ dinh dưỡng, luyện tập kịp thời.
- Các bệnh nhân đang trong quá trình điều trị, phụ nữ có thai hoặc các trường hợp đặc biệt khác cần tuân thủ lịch xét nghiệm máu tổng quát định kỳ do bác sĩ yêu cầu.
Thạc sỹ: Nguyễn Văn Tùng
Phó trưởng Bộ môn xét nghiệm Y học
Điện thoại tư vấn xét nghiệm: 0916. 537. 156
Tin khác
Tin nóng
Tin nổi bật
Ý kiến thăm dò
Bạn đánh giá trang Web này như thế nào
1860267