LỊCH KHÁM THAI ĐỊNH KỲ
LỊCH KHÁM THAI ĐỊNH KỲ
Ths. Lê Đức Quỳnh
Khám thai là quy trình rất quan trọng trong thai kì nhằm đảm bảo một thai kỳ suôn sẻ, bé chào đời khỏe mạnh và an toàn. Nhằm giúp thai phụ nắm được các mốc khám thai quan trọng, tránh bỏ sót các giai đoạn phát triển của thai nhi, chúng tôi xin chia sẻ lịch khám thai định kì để mẹ bầu tham khảo.
I. Lịch khám
* 3 tháng đầu (tính từ ngày đầu kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày)
+ Khám lần đầu: chậm kinh 1-2 tuần( xác định có thai và vị trí làm tổ của thai)
+ Khám lần hai: thai 11 – 13 tuần 6 ngày ( khảo sát dị tật sớm và đo khoảng sáng sau gáy)
* 3 tháng giữa (tính từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày): 1 tháng khám 1 lần( khảo sát thai và phát hiện dị tật thai như não úng thủy, tim bẩm sinh, sút môi, ...)
* 3 tháng cuối (tính từ tuần 29 đến tuân 40) ( đánh giá sự phát triển của thai, tình trạng rau ối...)
+ Tuần 29 – 32: khám 1 lần
+ Tuần 33 – 35: 2 tuần khám 1 lần
+ Tuần 36 – 40: 1 tuần khám 1 lần
Nếu không có điều kiện khám thai định kỳ thì tối thiểu thai phụ cần 3 lần khám cho một thai kỳ tại thời điểm thai được 12, 22, 32 tuần.
Ngoài ra, khi có những dấu hiệu bất thường thì thai phụ cần đi khám ngay, không cần đợi theo lịch, vì đó là những nguy cơ có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con
- Ra máu, ra nước âm đạo.
- Đau bụng từng cơn hoặc có cơn đau bụng dữ dội,
- Sốt, khó thở,
- Nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt,
- Phù nề,
- Đi tiểu ít,
- Tăng cân nhanh,
- Thai đạp yếu, đạp ít hay không đạp.
II. Nội dung khám thai
1. Khám thai trong 3 tháng đầu (Từ khi có thai đến 13 tuần 6 ngày)
Mục đích
- Xác định có thai – tình trạng thai.
- Xác định tuổi thai – ngày dự kiến sinh.
- Đánh giá sức khỏe của mẹ: bệnh lý nội, ngoại khoa và thai nghén.
Các việc phải làm
1. Hỏi bệnh
- Tiền sử bản thân: sản – phụ khoa, PARA; nội – ngoại khoa.
- Tiền sử gia đình.
- Về lần mang thai này
2. Khám tổng quát: cân nặng – mạch, huyết áp – tim phổi.
3. Khám sản khoa: khám âm đạo, chiều cao tử cung, đặt mỏ vịt lần khám đầu tiên.
4. Cận lâm sàng.
- Máu: Công thức máu, HBsAg, HIV, đường huyết khi đói; Nhóm máu( Rhesus, ABO); Rubella: IgM, IgG. (với trường hợp tiền sử sẩy thai liên tiếp thử thêm: CMv, Toxoplasmosis); Double test.
- Nước tiểu: 10 thông số.
- Siêu âm (lần 1): xác định tuổi thai, thai trong hay ngoài tử cung, tình trạng thai: thai trứng, đa thai, dọa sẩy, thai lưu,…, đo khoảng sáng sau gáy ( thai 12 tuần).
2. Khám thai trong 3 tháng giữa (Từ 15 đến 28 tuần)
Các việc cần làm
1. Theo dõi sự phát triển của thai: trọng lượng me, cao tử cung, nghe tim thai.
2. Phát hiện sớm những bất thường của thai kỳ: đa ối, đa thai, tiền sản giật,…
3. Khám tiền sản cho những thai phụ có nguy cơ cao hoặc siêu âm phát hiện bất thường.
4. Phát hiện các bất thường của mẹ.
+ Hở eo tử cung: dựa vào tiền sử, lâm sàng và siêu âm.
+ Tiền sản giật: Huyết áp cao, Protein niệu, phù.
+ Dọa sẩy thai hoặc dọa đẻ non.
5. Hướng dẫn về dinh dưỡng, vệ sinh, sinh hoạt, tái khám và tiêm phòng uốn ván.
Cận lâm sàng
1. Tiêm VAT ngừa uốn ván từ tuần 22 đến 28.
2. Nghiệm pháp dung nạp đường ở tuổi thai từ 24 – 28 tuần tầm soát đái thoái đường thai kỳ (Chỉ định: béo phì, tăng cân nhanh, gia đình trực hệ đái tháo đường, tiền sử bản thân: sinh con to, thai dị tật hoặc thai lưu lớn không rõ nguyên nhân, đường niệu (+), đường lúc đói > 105 mg/dL).
3. Triple test: thực hiện ở tuổi thai 14 – 21 tuần, đối với những trường hợp chưa thực hiện sàng lọc trong 3 tháng đầu thai kỳ.
4. Tổng phân tích nước tiểu (mỗi lần khám).
5. Siêu âm: Siêu âm hình thái học (hoặc 3D,4D) tối thiểu 1 lần ở tuổi thai 20-25 tuần khảo sát hình thái thai nhi, tuổi thai, sự phát triển thai, rau, ối.
3. Khám thai trong 3 tháng cuối (Từ 29 đến 40 tuần)
Các việc cần làm
Ngoài những phần khám tương tự 3 tháng giữa thai kỳ, từ tuần 36 trở đi cần xác định thêm.
· Đếm cử động thai
· Tiên lượng sinh thường hoặc sinh mổ.
· Khung chậu.
· Ước lượng cân thai.
· Ngôi thai.
Lưu ý các triệu chứng bất thường
· Ra huyết âm đạo.
· Ra nước ối.
· Đau bụng từng cơn.
· Phù, nhức đầu, chóng mặt.
Ở các lần khám thai cuối, bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho mẹ về
· Tình trạng thai.
· Đồ đạc cho mẹ và trẻ sơ sinh khi đi sinh.
Cận lâm sàng
1. Tiêm VAT lần 2 cho những thai phụ sinh con so, hoặc từ bé có tiêm chủng bạch hầu, ho gà, uốn ván. Mũi VAT lần 2 cách lần 1 tối thiểu 1 tháng.
2. Tổng phân tích nước tiểu (mỗi lần khám)
3. Siêu âm
· Siêu âm tối thiểu 1 lần lúc thai 32 tuần để xác định ngôi thai, lượng ối, vị trí nhau, đánh giá sự phát triển của thai nhi. Có thể lặp lại mỗi 4 tuần.
· Siêu âm màu (thai ≥ 28 tuần) khi nghi ngờ thai chậm phát triển: mẹ tăng cân chậm,BCTC không tăng, các số đo sinh học thai nhi không tăng sau 2 tuần, mẹ cao huyết áp,… có thể lặp lại sau mỗi tuần.
3. Non stress test: thực hiện khi có chỉ định.
Bên cạnh việc khám thai đều đặn, thai phụ cũng cần bổ sung cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay từ khi mới mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh, bé phát triển tốt. Chúc mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh!
Bảng lịch khám thai theo tuần tuổi thai( khuyến nghị của bệnh viện Từ Dũ)
ETài liệu tham khảo:
1. Phác đồ điều trị sản phụ khoa – Bệnh viện Từ Dũ.
2. Bài giảng sản phụ khoa- Đại học Y Hà Nội.